Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Ngắm Tiên Cảnh Ở Công Viên 2 Tỷ Năm


Ngắm Tiên Cảnh Ở Công Viên 2 Tỷ Năm


Đủ các màu sắc hiện ra khi lạc vào “Thế giới phiêu lưu riêng của Mẹ Thiên nhiên”...


Tên gọi “Thế giới phiêu lưu riêng của Mẹ Thiên nhiên” vẫn khá khiêm tốn so với vẻ đẹp ngoạn mục của công viên quốc gia Karijini - địa điểm khám phá được cho là hấp dẫn nhất Tây Úc.






Nằm trong khu vực bán khô hạn Pilbaran, Karijini là khu vườn quốc gia lớn thứ hai của Tây Úc với chiều dài hơn 3.897km. Khuôn viên rừng quốc gia là dãy Hamersley đồ sộ cùng 8 hẻm núi ấn tượng, với độ sâu lên tới 100m.






Nơi đây có những hẻm núi sâu đa sắc màu, đường hầm bằng đá vân cẩm thạch, thác nước lấp lánh đổ xuống khoảng hồ xanh ngọc trong vắt, thảm thực vật tươi tốt… vẽ nên một bức tranh muôn màu.






Trước kia, công viên quốc gia này có tên là Hamersley, nhưng sau được đổi tên theo ý chủ gốc của mảnh đất: những bộ lạc Aboriginal Banyjima, Kurrama, Yindjibarndi và Innawonga, sống trong khu vực xung quanh gần 20.000 năm.






Đối với người Yindjibarndi, họ coi Karijini là trung tâm bảo tồn văn hóa và tinh thần. Tại đây, ngoài những hòn đá được coi là có tuổi thọ lớn nhất trên thế giới, người ta cũng tìm được các tác phẩm nghệ thuật đá cổ xưa cũng như hang động ẩn sâu, minh chứng cho bề dày lịch sử của văn hóa con người.








Đáng kinh ngạc hơn nữa là tuổi thọ của nơi này. Người ta ước tính ra rằng, cảnh quan nơi đây đã có đến hơn 2 tỷ năm tuổi và có từ thời kỳ tiền Cambri.






Hình thành từ giai đoạn mà trong bầu khí quyển có rất ít oxy và hình thức sống duy nhất là vi khuẩn chứa nhiều hàm lượng silic và tảo, các hòn đá ở đây được tìm thấy với màu xanh lá cây - xanh da trời trộn lẫn.


Nhiều vật liệu với các oxit không hòa tan đã xuất hiện trong các đại dương hàng trăm triệu năm sau khi Trái đất hình thành. Đó chính là những dải đá sắt mà bạn có thể nhìn thấy ngày nay.





Với phong cảnh ngoạn mục như vậy, thật dễ hiểu khi Karijini trở thành một điểm đến phổ biến của những người đi bộ đường dài và thích thám hiểm.


Tuy nhiên, nơi này được cảnh báo cũng là một khu vực vô cùng nguy hiểm khi tai nạn thường xuyên xảy ra dọc theo hẻm núi dốc.






Dù vậy, khách du lịch vẫn bị thu hút bởi phong cảnh tuyệt đẹp cùng hệ động vật phong phú đa dạng. Công viên quốc gia này là nơi cư trú của khoảng 133 loài chim, 92 loài lưỡng cư và nhiều loài bò sát như tắc kè, thằn lằn không chân, trăn…






Những tín đồ của động vật có vú cũng sẽ không thất vọng khi tới thăm nơi này. Nơi đây cũng là nhà của loài chuột túi màu đỏ, giống chó dingo, kanguru, thú ăn kiến và dơi.


Những tổ mối khổng lồ rải rác khắp khu vực cùng với những đống đá nhỏ đánh dấu tổ của loài chuột sỏi.






Đối với các nhà sinh vật học, Karijini là một nơi tuyệt vời để tìm hiểu về các loài thực vật bản địa. Bạch đàn cùng với cỏ dại và cỏ nhím (1 loài cỏ sống sót trong môi trường khô hạn với rễ dài hơn 9m) phát triển rập rạm trên những ngọn đồi và cao nguyên.





Trong khí hậu ẩm ướt hơn của vùng hẻm núi, bao quanh bởi các cây dương xỉ tươi tốt là các tán bạch đàn và cây cadjeput xanh tốt cũng như các chùm sung đá đầy cuốn hút đối với lũ chim ở đây.






Gần đây, cảnh quan giàu sắt của Karijini đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi. Công ty khai thác kim loại Fortescue đã thuê đất để tạo thành một mỏ sắt, hy vọng sẽ khai thác được 60 triệu tấn các loại đá và khoáng chất có giá trị tại đây mỗi năm.






Tuy nhiên, điều này đã kéo họ vào một cuộc xung đột với các chủ đất truyền thống Yindjibarndi - những người coi Karijini là một vùng đất thiêng liêng.






Công ty khai thác mỏ đề nghị bồi thường cho người Yindjibarndi nhưng liên đoàn thổ dân Yindjibarndi (YAC) không chấp nhận điều đó. Họ nói rằng, nơi này là trung tâm văn hóa, tôn giáo của họ và tiền không thể nào đủ để bù đắp điều đó.






Theo luật pháp địa phương, YAC không thể ngăn chặn việc khai thác, nhưng có thể thương lượng đòi bồi thường tiếp cận đất đai. Chính vì vậy mà cuộc chiến giữa các nhóm khai thác mỏ và những người Yindjibarndi vẫn còn tiếp tục.






Việc này cũng khiến các nhà bảo tồn lo ngại khi mà hoạt động khai thác mỏ sẽ ảnh hưởng nhiều đến nguồn nước, dễ tạo các hố sụt lún…








Và trong khi mà các nhà bảo tồn vẫn đang có những nỗ lực để bảo vệ các khu bảo tồn nói chung và Karijini nói riêng, điều chúng ta có thể làm chỉ là tiếp tục ngưỡng mộ vẻ đẹp kì ảo nơi này đồng thời hy vọng vào một hướng phát triển tích cực cho môi trường cũng như người dân trong khu vực.
Theo Kênh 14

0 nhận xét:

Đăng nhận xét