Chữ Á trong Đàn Tranh Việt Nam
“Chữ Á” hay “Ngón Á” là cách đàn liên tục và đều đặn một chuỗi cung nhạc liền nhau tạo thành một chuỗi âm thanh liên tục, không đứt quãng. Trong bản đàn vui, chữ Á có thể dùng để diễn tả niềm vui. Trong bản nhạc buồn, nó có thể tạo nên tiếng than thở. Thí dụ, trong bản Lưu Thủy Trường, bạn có thể đàn chữ Á để diễn tả tiếng nước chảy. Tuỳ vào tâm tình diễn tả mà bạn có thể tạo ra tiếng thác đổ hay tiếng nước róc rách. Tiếng Á buồn hay vui tùy thuộc vào cách lên dây đàn . Đàn tranh có nhiều cách lên dây, dây để đàn bản vui khác với dây lên cho bản buồn . Nói chung thì bài nào dây đó .
Nhạc Truyền Thống Việt Nam chỉ có Chữ Á bắt đầu từ cung cao nhất (dây thứ 17 trên đàn tranh 17 dây), tức là cung Liu hay cung Sol, rồi từ từ đàn xuống các dây kế tiếp là 16, 15, 14 , 13 … và ngừng lại ở cung đứng đằng trước cung nhạc kế tiếp chữ Á. Thí dụ nếu trên bản đàn, ta thấy có chữ Á rồi cung đứng đằng sau chữ Á là cung Hò (dây số 2) thì đàn chữ Á bắt đầu từ dây số 17, sang các giây 16, 15, 14, 13, 12, 11, 10, 9, 8, 7, 6, 5, 4, 3 .
Nhiều người đặt tên cho chữ Á này là “Chữ Á Xuống” bởi chữ Á bắt đầu từ cung cao nhất rồi từ từ xuống thấp. Trong nhạc Truyền Thống Việt Nam, ta gọi vỏn vẹn là “Chữ Á” bởi không có chữ Á nào khác.
Ngày nay còn xuất hiện thêm hai “Chữ Á” nữa là “Chữ Á Lên”, đàn từ thấp lên cao và “Chữ Á Vòng”, đàn từ cao xuống thấp rồi từ thấp lên cao.
Chúng ta học “Chữ Á Xuống”, tức là “Chữ Á” trong nhạc Truyền Thống Việt Nam.
Cách đàn : đặt móng ngón tay cái nghiêng nghiêng trên dây số 17, đầu móng chỉ về phía người đàn, rồi lướt tay trên các dây kế tiếp, lướt một cách đều đặn, không dật cục, không bỏ sót một dây nào cả. Lướt nhanh hay chậm là tùy vào độ dài của chữ Á. Nếu chữ Á có độ dài bằng một nốt đen, thì tất nhiên ta lướt chậm hơn chữ Á có độ dài bằng một nốt móc. Lúc ban đầu mới tập, bạn không cần phải quan tâm tới nhanh hay chậm, bạn chỉ cần lướt ngón cái trên dây đàn, cốt tạo ra một chuỗi âm thanh liên tục và đều đặn. Khi lướt đến dây cuối cùng của chữ Á thì xử dụng ngón tay trỏ để đàn cung đi theo sau chữ Á.
Theo kinh nghiệm, thì khi đàn chữ Á, chúng ta chỉ cần lướt ngón cái bắt đầu từ dây số 17, ngón trỏ để ra phía trước, khi tầm ngón trỏ có thể đặt vào dây của cung nhạc theo sau chữ Á thì ta đặt ngón trỏ vào dây . Tự nhiên khi đó ngón cái lướt tới và chạm vào ngón trỏ, tức thì ta kéo ngón trỏ để đàn cung nhạc kế tiếp . Với cách này, ta chỉ cần hai động tác : lướt ngón cái và chặn lại bằng ngón trỏ .
Trên một bản đàn, chữ Á có thể được diễn tả bằng chữ “Á”, bằng một mũi tên đi lên hay đi xuống tùy vào “chữ Á lên” hay “chữ Á xuống” :
Để diễn tả thêm về trường độ của chữ Á, khi viết “chữ Á” theo hệ thống Solfège bằng mũi tên, tôi sẽ viết thêm cung Sol đen, Sol móc đơn, v.v như sau :
Viết chữ Á theo lối này, tôi muốn diễn tả cung nhạc bắt đầu từ cung Sol của dây số 17, cung nhạc có trường độ bằng một nốt đen hay nốt móc, mũi tên phía dưới để diễn tả chư Á.
Trong hình trên :
- Chữ Á thứ nhất dài một nốt đen, bắt đầu từ dây số 17 và chấm dứt ở dây số 3. Ngay sau đó dùng ngón trỏ để gẩy dây số 2 cho cung Hò.
- Chữ Á thứ hai dài một nốt đen, bắt đầu từ dây số 17 và chấm dứt ở dây số 5. Ngay sau đó dùng ngón trỏ để gẩy dây số 4 cho cung Xàng.
- Chữ Á thứ ba dài một nốt đen, bắt đầu từ dây số 17 và chấm dứt ở dây số 9. Ngay sau đó dùng ngón trỏ để gẩy dây số 8 cho cung Xự.
- Chữ Á thứ tư dài một nốt đen, bắt đầu từ dây số 17 và chấm dứt ở dây số 8. Ngay sau đó dùng ngón trỏ để gẩy dây số 7 cho cung Liều.
- Chữ Á thứ năm dài một nốt móc đơn, bắt đầu từ dây số 17 và chấm dứt ở dây số 5. Ngay sau đó dùng ngón trỏ để gẩy dây số 4 cho cung Xàng.
- Chữ Á thứ sáu dài một nốt móc đơn, bắt đầu từ dây số 17 và chấm dứt ở dây số 9. Ngay sau đó dùng ngón trỏ để gẩy dây số 8 cho cung Xự.
Bây giờ mời các bạn nghe đàn:
Bốn lần Chữ Á thứ nhất (Á Hò)
Bốn lần Chữ Á thứ hai (Á Xàng)
Bốn lần Chữ Á thứ ba (Á Xự)
Bốn lần Chữ Á thứ tư (Á Liều)
Các bạn chịu khó tập nhiều lần cho quen. Lúc mới tập bạn hay bỏ sót một vài dây, đó là vì bạn chưa quen lướt ngón tay cho đều đặn và tự nhiên. Tập từ từ sẽ quen. Tất cả chỉ cần sự kiên trì, không có gì là khó khăn cả.
Nguồn bài viết: Phạm Văn Vĩnh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét