Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Thực vật có chứa hoóc môn động vật không?


Thực vật có chứa hoóc môn động vật không?



Năm nọ, lá dâu mất mùa, tằm lại đến tuần tuổi thứ năm, nếu nhịn đói sẽ không kéo kén được. Có người lượm cỏ xước đem luộc lên, lấy nước phun lên lá dâu cho tằm ăn. Thật kỳ lạ! tằm kéo kén ngay. Thì ra, thân cây có chứa chất kích thích lột xác, giống như chất mà côn trùng tự tiết ra.

Chính chất này làm tằm vội vàng "vứt áo bỏ giáp", lột xác hoá nhộng. Điều này thật khác thường, vì chất kích thích trong động vật và thực vật - hai ngành lớn trong giới sinh vật - không có liên quan gì với nhau. Chẳng hạn, chất kích thích trong thực vật như auxin, gibberelin, chất phân bào… không có tác dụng gì với động vật.

Hiện tượng này lần đầu tiên được biết đến vào năm 1966, một nhà khoa học Nhật Bản đã phát hiện trong cây thông la hán (Podocarpus chinensis) trồng ở Đài Loan có hoạt tính của chất kích thích lột xác. Từ đó, người ta mới biết giữa hai ngành này vẫn có những quan hệ lý thú.

Vậy là các nhà khoa học đã tiến hành chọn lựa rộng rãi trong hơn 200 họ, hơn 1.000 loài cây và tìm ra hơn 100 loại chất kích thích lột xác. Ngày nay, việc ứng dụng chất kích thích này để tăng sản lượng tơ tằm không còn xa lạ nữa.

Điểm lý thú là chất kích thích lột xác thực vật có ưu điểm hơn chất kích thích do chính côn trùng tự tiết ra. Ngoài việc phân bố rộng, dễ kiếm, nó lại có hàm lượng rất cao, có loại cây chứa đến hơn 1 kg/100 kg chất thô. Trong khi từ 500 kg nhộng tằm chỉ lấy được 25 gram chất kích thích lột xác.

Trong thực vật không những có chất làm côn trùng “chóng già”, mà còn có “thuốc trường sinh bất lão" nữa.

Những năm 70, có một nhà khoa học Tiệp Khắc chuyên nghiên cứu sự biến thái của côn trùng. Ông đem một giống sâu gọi là hồng xuân từ Prague đến Đại học Harvard ở Mỹ, và phát hiện thấy con sâu sau khi thay đổi nơi ở không hoá nhộng được, vẫn giữ nguyên trạng thái sâu non. Vì sao vậy? Đối chiếu điều kiện nuôi dưỡng ở hai nước mới thấy, nguyên nhân nằm ở tấm giấy lót dùng để nuôi cấy sâu ấy.

Hoá ra, trong một số loại giấy do Mỹ sản xuất có chứa chất kéo dài trạng thái sâu non hồng xuân. Lần về ngọn, thì thấy thứ cây dùng làm loại giấy này có chứa chất chống lão hoá như thung dung (Glyptostrobus pensilis), thông, thuỷ tùng, thông rụng lá (Larix gmelini). Đó là chất este methy, dẫn xuất của axit béo. Chính nó là chất làm cho côn trùng trường sinh bất lão. Tuy nhiên, thứ chất này chứa trong thực vật rất ít, phân bố cũng không rộng.

Vì sao thực vật lại có hoóc môn động vật. Có người giải thích rằng đó là nhu cầu tự vệ của thực vật, bởi vì côn trùng sau khi ăn những cây đó sẽ lột xác sớm hoặc dẫn tới ngộ độc, bất lợi cho chúng. Nhưng cũng có người cho rằng đây là nhu cầu sinh sản của bản thân thực vật. Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là các suy luận.



Giới chức Ấn Độ đang đau đầu trước tình trạng nhiều nông dân nước này dùng hoóc môn oxytocin để bón cho cây bí ngô và dưa chuột, nhằm thúc đẩy cây lớn nhanh.



Bón cây bằng hoóc môn tình yêu

Một ruộng dưa chuột ở Ấn Độ. Ảnh: spraguephoto.com.

Oxytocin là loại hoóc môn có vai trò quyết định đối với hành vi xây dựng và duy trì quan hệ ở động vật có vú. Số lượng nông dân sử dụng oxytocin để bón dưa chuột và bí ngô đang có xu hướng gia tăng tại bang Uttar Pradesh và Punjab (phía bắc Ấn Độ). Nhiều người khẳng định cây lớn nhanh và quả to hơn nhờ oxytocin.

Trong khi đó Bộ Nông nghiệp Ấn Độ muốn ngăn chặn hành vi trên. "Việc sử dụng bừa bãi oxytocin có thể dẫn tới nhiều tác hại khôn lường. Con người sẽ gặp nhiều nguy cơ về sức khỏe nếu hấp thụ oxytocin qua rau quả trong thời gian dài", Bộ Nông nghiệp tuyên bố.

Ở người, tuyến yên là nơi sản xuất oxytocin. Nồng độ oxytocin trong cơ thể phụ nữ tăng lên khi họ sinh nở, cho con bú và quan hệ tình dục. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, hàm lượng oxytocin của phái đẹp cũng tăng lên khi họ nhìn hoặc chạm vào đứa con mới sinh. Người có nồng độ oxytocin càng cao thì càng dễ tin người khác.

Cho tới nay giới khoa học vẫn chưa tìm ra cơ chế giúp hoóc môn của động vật thúc đẩy quá trình tăng trưởng của thực vật. Các chuyên gia về thực vật tại Đại học Durham và Viện nghiên cứu Rothamsted (Anh) không tin oxytocin có thể làm tăng tốc độ phát triển của cây cối.

"Điều đó rất khó, nhưng vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng oxytocin có thể làm sản lượng rau quả tăng vọt", Malcolm Hawkesford, một chuyên gia của Viện nghiên cứu Rothamsted, phát biểu.

Minh Long (theo Newscientist)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét